Trang chủ

Sàng trước trước sinh, sơ sinh
- Xét nghiệm Double test cho phép xác định nguy cơ mắc các dị tật của: Hội chứng Down (thừa NST 21), hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18) và hội chứng Trisomy 13 (thừa NST 13). 
- Xét nghiệm Triple test cho phép xác định nguy cơ mắc các dị tật của: Hội chứng Down (thừa NST 21), hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18) và dị tật ống thần kinh.
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DOUBLE TEST VÀ TRIPLE TEST
[Image: hoi-chung-down.png]

1. Mục đích của xét nghiệm sàng lọc Double test và Triple test là gì?
Nhằm xác định nguy cơ các dị tật di truyền. 
- Xét nghiệm Double test cho phép xác định nguy cơ mắc các dị tật của: Hội chứng Down (thừa NST 21), hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18) và hội chứng Trisomy 13 (thừa NST 13). 
- Xét nghiệm Triple test cho phép xác định nguy cơ mắc các dị tật của: Hội chứng Down (thừa NST 21), hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18) và dị tật ống thần kinh.

2. Ý nghĩa của xét nghiệm Double test và Triple test 
Xét nghiệm này không khẳng định thai nhi bình thường hay bất thường về các dị tật ở trên mà chỉ xác định nguy cơ thai nhi mắc các dị tật này là cao hay thấp. Một kết quả nguy cơ cao không có nghĩa là thai nhi có dị tật và ngược lại một kết quả nguy cơ thấp không khẳng định thai nhi bình thường. 

3. Hội chứng Down là gì?
Hội chứng Down là một bệnh do thừa một nhiễm sắc thể số 21. Trung bình trong khoảng từ 700 đến 1000 trẻ sơ sinh sẽ có 1 trẻ mắc bệnh này. Người bệnh bị chậm phát triển trí tuệ ở những mức độ khác nhau và có thể có kèm theo các dị tật của tim, ruột, bất thường trong khả năng nghe, nhìn v.v... Với trình độ y học hiện nay, người mắc hội chứng Down có thể sống tới 40 - 50 tuổi.

4. Hội chứng Trisomy 18 là gì?
Thể tam nhiễm sắc thể 18 còn gọi là hội chứng Edward xảy ra do thừa một nhiễm sắc thể số 18. Một số ít mắc hội chứng dưới dạng khảm hoặc do NST bị chuyển đoạn. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn ở nam. Trung bình trong khoảng 3000 trẻ sơ sinh sẽ có một trẻ mắc hội chứng này.
Thai nhi mắc hội chứng này thường có những khuyết tật nghiêm trọng, đa số đều chết trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Chỉ có khoảng một nửa trẻ mắc thể tam nhiễm sắc thể 18 sống được tới một tháng và khoảng 10% trẻ sống được tới hơn một năm. Những trẻ này đều cần tới sự chăm sóc đặc biệt. Trẻ có trọng lượng sơ sinh thấp, khuôn mặt tròn, đầu nhỏ và hàm nhỏ, dị dạng tim, thận, chậm phát triển tâm thần, trẻ sơ sinh có ngón tay trỏ và tay út gập đè lên các ngón khác.

5. Hội chứng Trisomy 13 là gì?
Thể tam nhiễm sắc thể 13 còn gọi là hội chứng Patau xảy ra do thừa một nhiễm sắc thể số 13. Một số ít mắc bệnh dưới dạng khảm hoặc do NST bị chuyển đoạn. Bệnh hiếm gặp, trung bình trong khoảng 25.000 trẻ sơ sinh sẽ có một trẻ mắc hội chứng này.
Trẻ bị chậm phát triển tâm thần và mắc nhiều dị dạng như đầu nhỏ, thừa ngón tay chân, sứt môi – hở hàm, bất thường của tim, thành bụng v.v... Đại đa số thai nhi bị thể tam nhiễm sắc thể 13 đều chết trước, trong và ngay sau khi sinh. Đa số trẻ chết trong vòng vài ngày sau sinh.

6. Dị tật ống thần kinh?
Ống thần kinh là một cấu trúc phát triển trong những tuần đầu tiên của thai kì (khoảng 6 tuần sau ngày kinh cuối) tạo thành não và tủy sống của thai nhi. Tấm thần kinh khép dần lại tạo thành ống thần kinh. Nếu quá trình khép lại của tấm thần kinh diễn ra không hoàn toàn sẽ làm xuất hiện các loại dị tật hở của ống thần kinh. Có các dạng dị tật bẩm sinh phổ biến của ống thần kinh là tật nứt đốt sống, quái thai vô não và thoát vị não-màng não. Trung bình trong 1000 trẻ sinh ra có khoảng 2 trẻ mắc dị tật của ống thần kinh.

7. Những sản phụ nào nên làm xét nghiệm Double test và Triple test?
Tất cả các sản phụ đều nên làm xét nghiệm sàng lọc double test và triple test. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao như:
- Tuổi trên 35.
- Đã từng sảy thai/thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
- Đã từng mang thai/sinh con có các dị tật di truyền.
- Tiền sử gia đình có người sinh con dị tật.
- Đái tháo đường, hút thuốc lá.
- Nhiễm virus trong quá trình mang thai.
- Có các biểu hiện hoặc nghi ngờ bất thường trên kết quả siêu âm

8. Xét nghiệm Double test và triple test được thực hiện ở thời điểm nào?
- Xét nghiệm Double test được thực hiện từ tuần thai 11 đến 13 tuần 6 ngày. Tốt nhất ở tuần thai thứ 12 - 13.
- Xét nghiệm Triple test được thực hiện ở tuần thai 15 đến 22. Tốt nhất ở khoảng tuần thai thứ 16 - 18.

9. Double test xác định những chất gì trong máu mẹ?
Double test xác định nồng độ 2 chất do thai nhi tiết ra vào trong máu mẹ là:
- PAPPA –A (PAA).
- Free Beta hCG (FBC).

10. PAPPA –A (PAA)?
- PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A) là một loại glycoprotein do nhau thai bài tiết. Trong thai kỳ bình thường, nồng độ PAPP-A tăng dần trong suốt thai kỳ. Trong quý I của thai kỳ nếu thai nhi mắc hội chứng Down sẽ thấy nồng độ PAPP-A trong máu mẹ giảm, trong khi đó ở quý II nồng độ PAPP-A vẫn giữ ở mức bình thường hoặc chỉ hơi giảm do đó PAPP-A chỉ được dùng trong quý I của thai kỳ để sàng lọc thai nhi mắc hội chứng Down.

11. Free Beta hCG (FBC).
FreeBeta hCG là một thành phần trong cấu trúc của hoocmôn hCG (human chorionic gonadotropin). hCG đầu tiên được các tế bào lá nuôi của trứng sau khi đã được thụ tinh tiết ra sau đó sẽ do nhau thai bài tiết. hCG có mặt trong huyết thanh của mẹ vào khoảng 6 đến 8 ngày sau khi trứng được thụ tinh và đạt tới nồng độ cao nhất sau từ 50 đến 80 ngày tính từ lần kinh cuối. hCG được cấu thành từ hai tiểu đơn vị là α (alpha) và β (bêta). Nếu thai nhi mắc hội chứng Down, nồng độ của tiểu đơn vị freeBeta hCG gia tăng đáng kể trong quý I và quý II của thai kỳ.

12. Siêu âm đóng vai trò gì trong xét nghiệm Double test?
Siêu âm đóng một vai trò rất quan trọng trong xét nghiệm Double test . Để xác định được các nguy cơ dị tật của thai ngoài việc xác định nồng độ của 2 chất trên còn cần phải kết hợp với kết quả siêu âm thai (đặc biệt kết quả siêu âm thai ở tuần thai 12). Kết quả siêu âm thai cần phải cho biết chính xác các thông tin sau:
- Chiều dài đầu mông (CRL).
- Khoảng sáng sau gáy hay độ mờ da gáy (NT).

13. Triple test xác định những chất gì trong máu mẹ?
Triple test xác định nồng độ 3 chất do thai nhi tiết vào trong máu mẹ là:
- AFP (Alpha feto protein)
- β hCG (Beta Human Chorionic gonadotropin)
- uE3 (Unconjugated estriol).

14. AFP?
AFP (alpha fetoprotein) là một loại glycôprôtêin có nguồn gốc bào thai, do túi noãn hoàng của phôi tổng hợp và sau đó được gan của thai nhi tổng hợp. AFP của bào thai đi vào máu mẹ bằng cách thấm qua màng ối và có mặt trong nước ối từ nước tiểu của thai nhi. Sự gia tăng của nồng độ AFP trong nước ối và trong máu mẹ liên quan đến nhiều dị tật của thai nhi đặc biệt là khuyết tật của ống thần kinh. Trong quý II của thai kỳ, sự sụt giảm nồng độ AFP được thấy trong khoảng 30% trường hợp thai nhi mắc hội chứng Down.

15. β hCG? 
- Là glucoprotein do tế bào lá nuôi bài tiết (xuất hiện vào ngày thứ 8).
- Nồng độ β hCG đạt tối đa vào khoảng tuần thứ 8 -9.
- Nồng độ β hCG tăng cao trong hộ chứng Down.
- Nồng độ β hCG giảm trong hộ chứng Trisomy 18.

16. uE3?
uE3 (unconjugated estriol: estriol không kết hợp, estriol tự do) là một loại steroid có nguồn gốc từ nhau thai. Trong huyết thanh của mẹ, estriol được đo dưới dạng không kết hơp uE3. Trong thai kỳ bình thường nồng độ của estriol tự do và estriol toàn phần tăng dần trong suốt thai kỳ. Trong trường hợp thai nhi mắc hội chứng Down, nồng độ của uE3 sẽ giảm.

II. QUY TRÌNH XÉT NGHIỆM DOUBLE TEST VÀ TRIPLE TEST 
1. Khi đi làm xét nghiệm này thai phụ có cần nhịn ăn?
Với xét nghiệm này thai phụ không cần phải nhịn ăn. 

2. Xét nghiệm này có an toàn với thai nhi và thai phụ?
Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch của người mẹ do đó hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Xét nghiệm chỉ lấy một lượng máu rất nhỏ (khoảng 2ml) nên cũng không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai phụ. 

3. Khi đi làm xét nghiệm double test và triple test thai phụ cần chuẩn bị những gì?
- Thai phụ cần mang theo các kết quả siêu âm.
- Phải biết được tuần thai để lựa chọn xét nghiệm cho đúng. Không đi làm xét nghiệm khi thai < 11 tuần, từ 14 tuần đến 14 tuần 6 ngày, và trên 22 tuần.

4. Thai phụ cần cung cấp thông tin gì khi làm xét nghiệm này?
Trước khi làm xét nghiệm thai phụ cần được tư vấn để hiểu rõ về xét nghiệm. Sau đó thai phụ cần điền đầy đủ các thông tin vào mẫu phiếu hồ sơ. Trong đó đặc biệt thai phụ cần điền đầy đủ và chính xác các thông tin sau:
- Họ và tên?
- Ngày/tháng/năm sinh?
- Cân nặng hiện tại?
- Số điện thoại liên lạc?
- Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối (nếu nhớ)?
- Vòng kinh bao nhêu ngày? Có đều hay không?
- Ngày siêu âm thai (Tốt nhất ở khoảng tuần thai 12)? 
- Tuần thai tương ứng (chính xác đến ngày)?
- Số lượng thai?
- Chiều dài đầu mông và khoảng sáng sau gáy (Nếu làm xét nghiệm double test)?

5. Bệnh phẩm dùng để xét nghiệm Double test và Triple test?
Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Mẫu máu sau khi được lấy cho vào ống nghiệm không có chất chống đông, ly tâm tốc độ vòng cao để tách riêng huyết thanh. Sau đó mẫu huyết thanh được phân tích ngay (trong vòng 15 phút). Trong trường hợp chưa phân tích ngay thì tách riêng phần huyết thanh và bảo quản ở 2- 8oC trong 7 ngày hoặc ≤0oC trong vòng 1 tháng. 

6. Với các cơ sở y tế muốn gửi mẫu để phân tích thì cần làm thế nào?
Với các cơ sở y tế không có điều kiện làm xét nghiệm mà muốn gửi mẫu đến Bệnh viện trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương để xét nghiệm thì cần lấy máu, ly tâm tách riêng phần huyết thanh, đựng trong tube nhựa có nắp sau đó bảo quản trong hộp có đá lạnh và gửi đến phòng Xét nghiệm của Bệnh viện trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương cùng với hồ sơ của thai phụ.

7. Xét nghiệm Double test và Triple test được thực hiện ở những cở sở y tế nào?
Hiện nay mới chỉ có một số cơ sở y tế đủ trang thiết bị máy móc và nhân lực để thực hiện xét nghiệm này. Khoa xét nghiệm - Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là cơ sở y tế đầu tiên triển khai kỹ thuật này trên địa bàn Hải Dương. Tại đây xét nghiệm này được thực hiện trên hệ thống máy miễn dịch tự động Immulite 2000Xpi của hàng SIEMENS – ĐỨC. Sau đó kết quả được phân tích dựa trên phần mềm phân tích nguy cơ PRISCA. Đây là một trong những phần mềm tốt nhất hiện nay dùng để phân tích nguy cơ dị tật và đang được trên 1900 trung tâm ở 55 quốc gia trên toàn thế giới sử dụng. 

8. Quy trình để xét nghiệm gồm những bước nào?
Thai phụ được bác sĩ tư vấn về xét nghiệm → Thai phụ điền các thông tin trong hồ sơ → KTV kiểm tra lại hồ sơ → Lấy máu → Ly tâm tách huyết thanh → Xét nghiệm trên hệ thống máy miễn dịch tự động Immulite 2000XPi → Nhập kết quả xét nghiệm và thông tin vào phần mềm phân tích nguy cơ PRISCA → Trả kết quả và tư vấn các nguy cơ cho thai phụ.

9. Thời gian thực hiện xét nghiệm mất bao lâu?
Do quy trình làm xét nghiệm tương đối phức tạp và mất thời gian nên kết quả sẽ được trả sau 1 – 2 ngày từ khi lấy máu.

III. KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM VÀ TƯ VẤN KẾT QUẢ
1. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết những thông tin gì?
1.1. Kết quả Double test sẽ cho biết:
- Nồng độ các chất : PAPPA –A (PAA) và Free Beta hCG (FBC) có trong máu mẹ. Tuy nhiên không cần quan tâm nhiều đến nồng độ các chất này vì nó thay đổi theo từng ngày của tuổi thai và không có giá trị ấn định chung.
- Đưa ra nguy cơ của hội chứng Down, hội chứng trisomy 18 và trisomy 13. Nguy cơ đưa ra sẽ là dạng 1/x. Nếu x càng lớn thì nguy cơ mắc dị tật càng thấp ngược lại x càng nhỏ thì nguy cơ mắc dị tật càng cao.

1.2. Kết quả Triple test sẽ cho biết:
- Nồng độ các chất : AFP, β hCG, uE3 có tron g máu mẹ. Tuy nhiên không cần quan tâm nhiều đến nồng độ các chất này vì nó thay đổi theo từng ngày của tuổi thai.
- Đưa ra nguy cơ của hội chứng Down, hội chứng trisomy 18 và dị tật ống thần kinh. Nguy cơ đưa ra sẽ là dạng 1/x. Nếu x càng lớn thì nguy cơ mắc dị tật càng thấp ngược lại x càng nhỏ thì nguy cơ mắc dị tật càng cao.

2. Ngưỡng an toàn của các nguy cơ này là bao nhiêu?
- Ngưỡng an toàn với nguy cơ hội chứng down và hội chứng down theo tuổi mẹ là 1/250. Nếu kết quả sàng lọc đưa ra có mẫu số > 250 là nguy cơ thấp và mẫu số < 250 là nguy cơ cao với hội chứng này.
- Ngưỡng an toàn với hội chứng trisomy 13 và trisomy 18 là 1/100. Nếu kết quả sàng lọc đưa ra có mẫu số > 100 là nguy cơ thấp và mẫu số < 100 là nguy cơ cao với hai hội chứng này.
- Ngưỡng an toàn Dị tật ống thần kinh là 1/75. Nếu kết quả sàng lọc đưa ra có mẫu số > 75 là nguy cơ thấp và mẫu số < 75 là nguy cơ cao với dị tật này.

3. Kết quả sàng lọc của tôi với hội chứng Down là 1/600 thì có nghĩa thế nào?
Kết quả này có nghĩa là trong 600 sản phụ giống như bạn (giống về nồng độ các chất trong cùng tuần thai, các yếu tố nguy cơ…) thì có thể có 1 người con bị Down còn 599 người con không bị Down. 

4. Chỉ số MoM trong kết quả là gì và có ý nghĩa thế nào?
- Kết quả Double test và Triple test ngoài kết quả định lượng các chất ở trên còn đưa ra chỉ số MoM.
- MoM là Bội số trung vị (multiple of median: MoM): Do việc đo nồng độ các chất này có thể sai khác ít nhiều giữa các phòng xét nghiệm, dẫn đến khó khăn trong việc so sánh kết quả giữa các trung tâm với nhau. Do đó để khắc phục nhược điểm này người ta sử dụng giá trị bội số trung vị (MoM), MoM được tính bằng cách chia nồng độ các chất đã định lượng của mỗi sản phụ với giá trị trung vị tương ứng với tuổi thai. Nói một cách khác, MoM phản ảnh mối tương quan giữa giá trị nồng độ các chất đo được ở một sản phụ so với số trung vị của quần thể ở tuổi thai tương ứng vì vậy cho phép đánh giá chính xác hơn và thuận lợi hơn khi so sánh kết quả giữa các trung tâm sàng lọc khác nhau.

5. Nếu kết quả sàng lọc cho biết thai nhi có nguy cơ thấp với các hội chứng trên thì sản phụ cần làm gì?
Kết quả ở đây chỉ mang ý nghĩa xác định xác xuất nguy cơ thai nhi bị dị tật chứ không khẳng định thai nhi hoàn toàn bình thường. Hơn nữa xét nghiệm này chỉ xác định nguy cơ một số dị tật chứ không phải tất cả do vậy thai phụ vẫn cần tiếp tục theo dõi, khám định kỳ bằng siêu âm.

6. Nếu kết quả sàng lọc cho biết thai nhi có nguy cơ cao với một hoặc nhiều các hội chứng trên thì sản phụ cần làm gì?
Mặc dù kết quả sàng lọc là nguy cơ cao nhưng cũng không khẳng định thai nhi bị bệnh. Với các trường hợp này các bác sĩ có thể tư vấn cho sản phụ đi làm xét nghiệm chọc ối. Theo một số nghiên cứu ở VN thì có khoảng 5% các thai phụ có nguy cơ cao sau khi chọc ối xác định thai nhi bị dị tật.

7. Chọc ối là kỹ thuật gì? 
Chọc ối là một thủ thuật được thực hiện ở tuần thứ 15 đến 20 của thai kỳ, trong kỹ thuật này bác sĩ sản khoa sẽ phối hợp với bác sĩ siêu âm để lấy một lượng nhỏ dịch ối từ túi ối bao quanh thai nhi trong tử cung. Sau đó dịch ối sẽ được nuôi cấy tế bào và xác định các bất thường về nhiễm sắc thể.

8. Những ai được chỉ định chọc ối?
Hầu hết các sản phụ sau khi xét nghiệm Double test và Triple test có nguy cơ cao đều được các bác sĩ tư vấn thực hiện chọc ối. Ngoài ra nếu sản phụ không xét nghiệm sàng lọc cũng sẽ được chỉ định chọc ối nếu có một trong các nguy cơ sau:
- Sản phụ trên 35 tuổi, vì ở trong độ tuổi này thai nhi có nguy cơ cao mắc hội chứng Down.
- Các sản phụ đã từng có thai hoặc sinh con mắc hội chứng Down hoặc những bất thường nhiễm sắc thể khác.
- Các sản phụ hoặc chồng của sản phụ mang các bất thường trong cấu trúc của nhiễm sắc thể.

9. Chọc ối được thực hiện ở đâu? Vào thời gian nào?
- Hiện nay chỉ có rất ít cơ sở có đủ điều kiện để chọc ối và nuôi cấy tế bào. Các sản phụ có thể thực hiện chọc ối tại Bệnh viện phụ sản TW, Phụ sản Hà Nội và Phụ sản Bạch Mai. Tại đây các sản phụ sẽ được tư vấn về chọc ối, khám và làm các xét nghiệm cần thiết sau đó sẽ tiến hành chọc ối.
- Chọc ối được thực hiện từ tuần thai 15 – 20. Sản phụ Bạch Mai chọc ối từ tuần 16. Sản phụ TW chọc ối từ tuần thai 17.

10. Lợi ích của chọc ối là gì?
Có 2 lợi ích lớn của chọc ối là :
- Khẳng định chắc chắn thai nhi có bị các dị tật của hội chứng Down , hội chứng Trisomy 13 và Trisomy 18.
- Ngoài các dị tật của hội chứng Down, hội chứng Trisomy 13/18 việc chọc ối và nuôi cấy tế bào còn xác định được tất cả (khoảng 100) các dị tật khác liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể.

11. Việc chọc ối có an toàn không? Có nguy cơ gì không?
- Kỹ thuật chọc ối để chẩn đoán đã được chứng minh trên cơ sở khoa học là hoàn toàn an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Tình trạng sẩy thai có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên trước hoặc sau khi lấy nước ối, có thể không liên quan đến thao tác lấy ối. Nguy cơ gây sẩy thai tự nhiên liên quan đến thao tác này bằng hoặc bé hơn 0,5% (1 trong 200). Nếu được thực hiện bằng chuyên gia có kinh nghiệm thì khả năng xảy ra sẩy thai ngẫu nhiên sau khi chọc ối bởi một bác sĩ có kinh nghiệm sẽ là 1 trong 300.
Có 4 nguy cơ chính của việc chọc ối là:
+ Truyền bệnh cho con: Nếu mẹ nhiễm các loại virus như VG B, VG C…hoặc bị viêm nhiễm phần phụ.
+ Chảy máu nhẹ ( Rỉ ối nhẹ)
+ Động thai (Lên các cơn đau có chu kỳ)
+ Sảy thai.

12.Cách phòng các tai biến khi chọc ối?
Để phòng các tai biến khi chọc ối, các thai phụ nên tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Đến đăng ký khám trước tại các cơ sở chọc ối để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết. Sau đó các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc (kháng sinh, kháng thể…) để tránh truyền bệnh cho con.
- Nếu có chảy máu nhẹ (rỉ ối nhẹ) sau khi chọc ối nên vào viện theo dõi, nên nghỉ ngơi tránh vận động mạnh.
- Nếu lên các cơn đau có chu kỳ phải vào viện theo dõi, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc giảm cơn co nếu cần.
- Hiện nay kỹ thuật siêu âm rất phát triển nên nguy cơ sảy thai do chọc nhầm bánh rau là gần như không có. Tuy nhiên các sản phụ cũng không nên chủ quan và một điều rất quan trọng là các sản phụ sau khi chọc ối nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ ít nhất 30 phút. 

13. Sau bao lâu thì có kết quả chọc ối?
Kết quả chọc ối sẽ có sau khoảng 2 -3 tuần do phải nuôi cấy các tế bào dịch ối và xác định nhiễm sắc thể của tế bào sau nuôi cấy.

Tham khảo thêm:

>>> Phần mềm sàng lọc chẩn đoán trước sinh

>>> Máy xét nghiệm miễn dịch tự động hoàn toàn

>>> Bộ hóa chất xét nghiệm sàng lọc trước sinh 


Tags
Xét nghiệm sàng lọc dị tật Double test và Triple test Xét nghiệm sàng lọc dị tật Double test và Triple test
SẢN PHẨM CÙNG LOẠI
0938238868 0938238868Facebook: Thiết-bịvật-tư-hoá-chất-xét-nghiệm-100709545162503/Zalo: 0938238868